Đối tượng mua nhà cũng được mở rộng. Cụ thể, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở, khi mua nhà thương mại (kể cả nhà và đất) có tổng giá trị hợp đồng mua bán không vượt quá 1,05 tỷ đồng sẽ được vay gói 30.000 tỷ đồng.
Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở nhưng đang khó khăn về nhà nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ cũng sẽ được vay vốn ưu đãi để xây mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình. Mức vay tối đa sẽ do ngân hàng Nhà nước quy định.
Các hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, sinh viên, học sinh… cũng được tham gia gói hỗ trợ. Vốn tối thiểu của đối tượng này sẽ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể
Nghị quyết cũng bổ sung một số ngân hàng thương mại cổ phần do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định được tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở.
Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát dự án bất động sản để phân loại các trường hợp được tiếp tục triển khai, những dự án cần phải điều chỉnh, chuyển đổi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị sẽ bị dừng cấp phép. Nghị định nêu rõ cần đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, rút ngắn thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án đồng thời xây dựng chính sách tín dụng lâu dài ổn định hỗ trợ người mua nhà và chủ đầu tư.
Gói cho vay hỗ trợ nhà ở của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu được tung ra từ 1/6/2013. Gói hỗ trợ này dành cho người mua nhà có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng mỗi m2; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó dành tối đa 30% để cho vay đối với doanh nghiệp, 70% cho người mua nhà vay.